Xác định một ý tưởng kinh doanh tốt như thế nào
logo
5 stars - based on 1 reviews

Bạn thấy mình sinh ra để khởi nghiệp, bao có ước mơ khởi nghiệp, bạn đã hiểu khó khăn trong việc khởi nghiệp thế nào. Bạn vẫn dấn bước tới đây, vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu xác định ý tưởng kinh doanh/ khởi nghiệp.Dù bạn đã có một ý tưởng hay chưa có một ý tưởng thì chúng ta cũng nên nhìn lại xem thế nào là một ý tưởng kinh doanh/khởi nghiệp tốt?

Chúng ta bắt đầu bằng việc tìm hiểu thế nào là một ý tưởng kinh doanh tốt?

Chúng ta đã thấy rất nhiều người thất bại khi kinh doanh, trong khi đó 100% đều thấy khả thi cho ý tưởng của mình tại thời điểm ban đầu. Dĩ nhiên rồi, nếu không thấy khả thi thì ai lại bắt đầu kinh doanh làm gì nhỉ.

Có rất nhiều khía cạnh để đánh giá một ý tưởng, nhưng tựu chung lại thì một ý tưởng kinh doanh tốt phải là một ý tưởng đặt trọng tâm vào "vấn đề" chứ không phải là "giải pháp".

Nói một cách đơn giản là đầu tiên phải trả lời câu hỏi: "bạn đang định giải quyết VẤN ĐỀ gì? và CHO AI? là điều cần phải chú tâm để phân tích và tìm tòi, rồi sau đó mới đến: "giải quyết nó như thế nào - giải pháp". Nếu "vấn đề" thực sự không tồn tại thì dù giải pháp của bạn có tốt đến đâu cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì, vì đơn giản bạn đang tạo ra một thứ mà "KHÔNG AI CẦN".

Thực tế hầu hết các ý tưởng ban đầu đều không chú trọng lắm tới vấn đề mình định giải quyết mà tập trung quá nhiều vào phần giải pháp, tức ý tưởng sản phẩm của mình sẽ như thế nào, nó ưu việt ra sao và mọi người sẽ thích thú mua nó. Tôi đã gặp một số nhà sáng lập say sưa mô tả sản phẩm của họ cả tiếng đồng hồ, rồi vài năm nữa nó sẽ tiến triển đến đâu. Sau khi kiên nhẫn lắng nghe tôi có hỏi: "bạn đang muốn giải quyết vấn đề gì" thì nhà sáng lập ngập ngừng, nói qua một chú về "NHU CẦU" của khách hàng, và ngay lập tức lại quay về say sưa với sản phẩm mình đang muốn tạo ra. Các bạn xuất thân là dân kỹ thuật rất dễ bị rơi vào hiện tượng này.
 
Có một kiến thức bạn cần chú ý là "vấn đề" khác với "nhu cầu". Khi tôi hỏi bạn giải quyết "vấn đề" là gì cho khách hàng thì đa số các nhà sáng lập đều trả lời bằng câu: khách hàng có "nhu cầu" ...
 
Vâng, phát hiện ra nhu cầu của khách hàng là một điều rất tốt, tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu, bạn cầu đặt câu hỏi: thế khách hàng gặp VẤN ĐỀ gì trong việc đạt được nhu cầu đó? và câu trả lời của cái này mới là cái mà tôi muốn nói tới.
 
Chúng ta có rất nhiều nhu cầu như ăn ngon mặc đẹp, an toàn, yêu thương, phát triển bản thân, đi lại ... tuy nhiên bạn có vấn đề gì về các nhu cầu này không? các món ăn ngon tôi thích đều có rất nhiều nhà hàng gần nhà mà tôi ăn, cái này tôi đã thoả mãn rồi nên tôi KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ gì trong việc thoả mãn nhu cầu của mình cả. Tôi có nhu cầu về "an toàn thực phẩm", tức là đồ ăn uống phải vệ sinh và đảm bảo sức khoẻ, tuy nhiên hiện nay đồ ăn bẩn, thiếu an toàn đang tràn ngập thị trường và tôi không thể nào biết được đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn. Vì thế tôi gặp VẤN ĐỀ trong việc thoả mãn nhu cầu này. Nếu tôi đang sống ở Nhật, ở Mỹ chắc tôi không có VẤN ĐỀ gì cả, mặc dù nhu cầu của tôi không thay đổi. 

Một cái bẫy của "nhu cầu" nữa đó là "nhu cầu giả", bạn cần phải tính táo khi đi phỏng vấn khách hàng tiềm năng. Một "nhu cầu giả" tức là một nhu cầu của khách hàng mà có thì được, không có thì thôi. Họ sẽ không trả tiền để có nó. Tôi lấy ví dụ như bạn hỏi một khách hàng có cần kim cương không? dĩ nhiên là cần, có thích dùng kim cương không? dĩ nhiên là thích. Rồi bạn đặt viên kim cương trước mặt họ, liệu họ có mua không? thích và cần không có nghĩa là họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để có nó. Vì thế khi phỏng vấn và tìm hiểu khách hàng bạn cần phải chú ý vào VẤN ĐỀ của họ chứ không phải NHU CẦU để tránh bẫy giả này.

Độ lớn của VẤN ĐỀ là một trong các yếu tố quan trọng nhất quyết định ý tưởng kinh doanh tiềm năng tới đâu. Dưới đây là công thức cho độ lớn của vấn đề:
 
Độ lớn của vấn đề = Nhu cầu của khách hàng - mức độ thoả mãn hiện tại
 
Đề xác định được độ lớn vấn đề, bạn cần biết được nhu cầu của khách hàng lớn tới đâu và mức độ thoả mãn hiện tại của họ. Một nhu cầu lớn như ăn uống, học tập nhưng mức độ thoả mãn hiện tại đã cao thì chưa chắc đã là vấn đề lớn. Ngược lại một nhu cầu tưởng không quá lớn như đi lại trong thành phố nhưng mức độ thoả mãn lại thấp thì lại thành một vấn đề lớn (ví dụ như taxi truyền thống và sự ra đời của Uber).
 
Sau khi xác định được độ lớn của vấn đề, chúng ta có thể xác định được tiềm năng của ý tưởng đến đâu
 
Tiềm năng ý tưởng = độ lớn vấn đề * tần suất * số lượng khách hàng * số tiền thu một khách hàng
  • Tần suất: vấn đề khách hàng gặp phải có tần suất hàng giờ? hàng ngày hay hàng tuần?
  • Số lượng khách hàng: có bao nhiêu người đang gặp phải vấn đề đó?
  • Số tiền thu: bạn sẽ tính bao nhiêu tiền trong một lần 
 Đến đây bạn đã có thể biết thế nào là một ý tưởng kinh doanh tốt. Nếu bạn định khởi nghiệp kinh doanh small business thì tôi nghĩ đến đây cũng là đủ để xác định ý tưởng của bạn. Nhưng nếu bạn định khởi nghiệp theo đúng nghĩa, tức là một ý tưởng, lĩnh vực mà chưa hề có ở ngoài thị trường thì chúng ta sẽ đi tiếp phần sau: Thế nào là một ý tưởng khởi nghiệp tốt.
 
 

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Cách tạo bảng vốn hoá (Cap Table)

Cách tạo bảng vốn hoá (Cap Table)

Bảng vốn hoá (Cap Table) là gì? Cap table
5 chiến lược rút lui (exit) khôn ngoan cho startup

5 chiến lược rút lui (exit) khôn ngoan cho startup

Nếu khởi nghiệp là ước mơ của bạn, vậy tại
Cách tìm kiếm các cố vấn khởi nghiệp cho startup

Cách tìm kiếm các cố vấn khởi nghiệp cho startup

Các cố vấn khởi nghiệp có thể mở ra cánh cửa

CỘNG ĐỒNG