La bàn cho cuộc sống liên tục đổi thay
logo
5 stars - based on 1 reviews

Hiện nay hầu hết mọi người đều chấp nhận thuyết tiến hoá của Darwin, và người vượn đầu tiên được cho rằng xuất hiện cách đây đã 3-4 triệu năm. Người tinh khôn giống như nhân loại hiện nay được cho là xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, thế giới, môi trường xoay vần biến đổi, nhưng có lẽ chưa bao giờ tốc độ biến đổi lại nhanh như hiện tại, mọi thứ đều đang theo cấp số nhân. Con người bối rối và hoang mang trước sự biến đổi đó, mọi giá trị mà mọi người bám vào để định hướng cho cuộc sống trước kia không còn nữa. Và một điều tự nhiên chúng ta có thể thấy, số lượng người trầm cảm, hoang mang, tệ nạn và chiến tranh, khủng bố càng ngày càng trầm trọng.

Con người chúng ta từ khi xuất hiện đã xảy ra hai lần mất mát lớn nhất. Thứ nhất là khi tiến hoá từ vượn thành người, chúng ta mất dần đi bản năng sinh tồn của loài động vật. Trí não của con người ngày càng phát triển và lấn át dần đi bản năng, mặc dù bản năng chưa bao giờ mất. Và trước sự thay đổi của môi trường sống, khi cần đưa ra quyết định, luôn có sự bối rối lựa chọn hành động, vì bản năng và lý trí không phải lúc nào cũng giống nhau. Con người càng phát triển, lý trí càng lấn át dần bản năng. Trước sự mất mát lớn lao này, đã có một kim chỉ nam mới ra đời giúp con người định hướng cuộc sống và hành động, đó là "truyền thống".

Truyền thống là những văn hoá, những cách ứng xử, những tập tục được lưu trữ suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn được các thế hệ thay nhau gìn giữ và phát triển. Truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, giúp mọi người biết được mình nên làm gì và không nên làm gì. Truyền thống là điều tất cả mọi người đều tôn trọng và tuân thủ, nó tạo nên một phương hướng thống nhất, tập trung và ban sức mạnh cho mỗi một cá nhân và tập thể. Có thể nói truyền thống là một thứ thiêng liêng "vượt trên thời gian". Bia đá trăm năm cũng mòn, nhưng truyền thống thì được gìn giữ qua năm tháng, mãi chỉ về một phương chính Bắc cho con người biết mình nên, cần phải làm gì. Không giống như tôn giáo là niềm tin để mọi người bám víu mong sự cứu rỗi và giải thoát, truyền thống mang tính định hướng hành động và mục tiêu cho con người. Truyền thống gắn liền với mỗi vùng miền, mỗi làng quê. Tuy có một số điểm khác nhau nhưng rất nhiều truyền thống tốt đẹp lại rất giống nhau dù ở bất kỳ vùng miền nào như kính cha, kính mẹ, tôn sư trọng đạo, công bằng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Thế nhưng gần đây với sự lên ngôi của khoa học công nghệ, đặc biệt từ khi ngành công nghiệp, rồi công nghệ lên ngồi. Các truyền thống đã dần biến mất, con người lao vào vòng xoáy của vật chất và những ham muốn của bản thân. Từ các làng quê, các vùng miền, truyền thống dần lùi xa và lụi tàn. Không dễ để nhận ra điều này, ngay cả ở Việt Nam 30 năm qua hầu như các truyền thống, lễ hội, văn hoá đang dần biến mất hoặc bị thương mại hoá. Các lễ hội không còn ý nghĩa thiêng liêng như ban đầu. Tình làng nghĩa xóm cũng đang dần phai nhạt. Con người mải mê theo đuổi công danh sực nghiệp, tiền tài. Giá trị của con người hầu hết đều được đánh giá trên những gì họ sở hữu. Chẳng còn truyền thống làm kim chỉ nam cho cuộc sống, con người thường xuyên bối rối trong các hành động cuộc sống của mình, trong mối quan hệ người với người. Trong chính gia đình, người thân và bạn bè.

Có thể nói chưa bao giờ con người trở nên đáng thương như hiện tại, mọi người như bị vút ra giữa biển khơi với một chiếc xuồng, không la bàn và chẳng biết phải đi về hướng nào. Họ cứ chèo theo những gì họ thấy và theo đuổi trước mắt. Để rồi khi mệt mỏi họ nhận ra những gì mình theo đuổi là hư vô, thứ họ tìm thấy chỉ là sự mệt mỏi, trống vắng và cô đơn trong tâm hồn.

Là một chuyên gia về "lãnh đạo bản thân", Stephen Covey đã dành cả cuộc đời để đi giúp đỡ mọi người thoát khỏi nỗi khổ đó, ông nhận ra mọi sự thay đổi đều phải đến từ "bên trong". Ông đã tìm ra một la bàn luôn chỉ về hướng chính Bắc cho tất cả mọi người, giúp mọi người có thể tự định hướng hành vi và mục tiêu cho bản thân mình. Kim chỉ nam của mỗi người được hình thành từ 4 yếu tố chính:

1. Tự nhận thức: con người khi tiến hoá từ vượn lên đã hình thành một khả năng tuyệt với là sự tự nhận thức. Đây có lẽ là một điều lớn nhất để phân biệt con người với động vật. Tự nhận thức giúp con người biết được tình cảnh của mình, biết được mình đang ở đâu và như thế nào. Có khả năng giải thích được vì sao, vì cái gì mà mình lại hành động. Tự nhận thức là điều tiên quyết đầu tiên giúp chúng ta tìm ra kim chỉ nam cho phương chính Bắc của bản thân, nếu chúng ta không nhận thức được hiện tại của mình thì mọi thứ đều là vô nghĩa.

2. Lương tâm: Đây có lẽ là một điều mà khoa học chưa thể chứng minh, lương tâm là một điều gì đó chúng ta không sờ mó hay nhìn thấy được, cũng không hiểu nó hình thành như thế nào, nhưng chúng ta ai cũng biết là nó có tồn tại. Lương tâm có thể nói là tiếng nói bên trong của mỗi người, nó vang lên mỗi khi chúng ta cần phải hành động. Tuy nhiên tiếng nói này rất nhỏ và nếu chúng ta không thường xuyên kết nối, lắng nghe nó, chúng ta sẽ dần mất đi sự nhạy cảm. Hãy dành nhiều thời gian tĩnh lặng để lắng nghe lương tâm của mình. Có một điều khá khó khăn là làm sao chúng ta biết được đâu là tiếng nói lương tâm? đâu là tiếng nói của lý trí? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và có một kết luận là: mỗi khi bạn hành động một điều gì mà khi đang làm hoặc sau khi làm, thậm chí trước khi làm thì lý trí của bạn phải liên tục lên tiếng và giải thích cho hành động của mình thì lúc đó chắc chắn là có vấn đề, khả năng rất lớn là bạn đang làm trái với lương tâm của mình. Khi lương tâm lên tiếng, lý trí sẽ biện minh lại và tất nhiên điều đó tạo ra sự căng thẳng trong bạn, dù rất nhỏ thôi nhưng nếu tần suất lớn, nó sẽ tạo nên sự trầm cảm cho chúng ta. Bạn có để ý có những hành động trái với lý trí và logic thông thường, nhưng sau khi bạn làm thì bạn cảm thấy rất bình an, rất thanh thản và hầu như không bao giờ phải "lên tiếng" biện minh cho hành động đó. Đó chính là do bạn đã kết nối với lương tâm, lắng nghe và hành động theo lương tâm của mình.

3. Ý chí độc lập: con người có một thiên phú nữa đó là ý chí độc lập, kiên trì quyết tâm theo đuổi mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của mình. Ý chí độc lập giúp con người có thể nói không với những điều không quan trọng, giúp con người có đầy đủ sức mạnh thực hiện các mục tiêu của mình.

4. Trí tưởng tượng: Điều cuối cùng là trí tưởng tượng, trí tưởng tượng giúp con người có thể hình dung, tưởng tượng ra được các viễn cảnh tương lai, đây cũng là một công cụ tuyệt với cho sự sáng tạo vô tận của con người. Không có loài động vật nào có trí tưởng tượng phong phú như con người. Nhờ có trí tưởng tượng con người có thể tiếp thêm sức mạnh, sáng tạo ra các giá trị mới cho cuộc sống.

Tự nhận thức, lương tâm, ý chí độc lập và trí tưởng tượng chính là la bàn cho tất cả mọi người, giúp mọi người có thể định hướng hành động của mình để có thể có một cuộc sống viên mãn và thành công. Điều này là không dễ dàng nhưng con người hoàn toàn có khả năng làm được. Khi bản năng, truyền thống đã mất đi, con người cần chiếc la bàn này để chèo lái cuộc sống của mình giữa biển đời mênh mông này. Lương tâm là điều quan trọng nhất mà mỗi chúng ta cần tập trung kết nối với nó mỗi ngày.

Cuộc sống liên tục biến đổi, tốc độ càng ngày càng nhanh với cấp số nhân, chưa lúc nào sự cần thiết của chiếc la bàn lại khẩn cấp như lúc này. Hãy lắng nghe và đáp ứng lương tâm của mình với một ý chí độc lập, hình dung một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Cách tạo bảng vốn hoá (Cap Table)

Cách tạo bảng vốn hoá (Cap Table)

Bảng vốn hoá (Cap Table) là gì? Cap table
5 chiến lược rút lui (exit) khôn ngoan cho startup

5 chiến lược rút lui (exit) khôn ngoan cho startup

Nếu khởi nghiệp là ước mơ của bạn, vậy tại
Cách tìm kiếm các cố vấn khởi nghiệp cho startup

Cách tìm kiếm các cố vấn khởi nghiệp cho startup

Các cố vấn khởi nghiệp có thể mở ra cánh cửa

CỘNG ĐỒNG